Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

(BOOK REVIEW) BÌNH LUẬN SÁCH: CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG XÂM LƯỢC MÔNG NGUYÊN THẾ KỶ XIII (何文晉的《13世紀對蒙元侵略的抗戰)》評論

Hà Văn Tấn tiên sinh

Giới thiệu về tác giả:


Hà Văn Tấn (何文晉) tiên sinh, sinh năm 1937, mất năm 2019, hưởng thọ 82 tuổi, là một trong những nhà sử học miền Bắc lớn nhất Việt Nam. Quê ông ở Hà Tỉnh. Ông để lại rất nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, thật tiếc đa số các công trình này được in từ khá lâu và vẫn chưa được tái bản toàn bộ. Ngoài tiếng Việt, ông thông cả tiếng Hán cổ và hiện đại, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Nga. Dựa vào phần giới thiệu sách “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông-Nguyên thế kỷ XIII”, người viết cho rằng ông cũng có kinh nghiệm nhất định với ngôn ngữ Ả-rập và Ba-tư trung đại. Khả năng ngôn ngữ của ông thật đáng nể phục, xứng đáng với danh hiệu “tứ trụ” trong ngành lịch sử Việt Nam đương thời. 

Các bản mà người viết sở hữu của cuốn "Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên-Mông thế kỷ XIII":

Người viết tình cờ tìm được quyển sách “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông-Nguyên thế kỷ XIII” trên tủ sách của ông nội người viết ở Hà Nội trong thời gian dự lễ tang của bà nội (người viết sinh ở Sài Gòn) năm 2003. Bản này in năm 1968, là bản in đầu tiên. Gần đây, do mang sách theo để ở Hoa Kỳ và khi về không mang về nên người viết đã phải mua sách tái bản năm 2019 của nhà xuất bản Hồng Đức. Bản in này sáng sủa và in trên giấy rất tốt. Như vậy người viết đã sở hữu hai bản. Thật ra từ năm 2003 đến nay, người viết từng mua được một bản in năm 1972, tức in lần 2, từ một tiệm sách cũ trên đường Trần Nhân Tông ở Sài Gòn, nhưng đáng tiếc trong quá trình chuyển nhà đã thất lạc, nay không biết ở đâu.

Hoàn cảnh xã hội và chính trị khi tiên sinh viết sách:

Như đã viết ở trên, bản in đầu tiên của cuốn sách này là bản năm 1968. Đây là thời gian chiến tranh kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt. Năm 1968 đánh dấu một năm đầy biến động đối lịch sử Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa, khi lực lượng quân sự du kích dưới sự chỉ huy của Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Miền Nam đã tiến hành một cuộc nổi dậy khắp lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, khiến cục diện chính trị ở Mỹ và Việt Nam biến đổi sâu sắc. Trong hoàn cảnh đó, Hà tiên sinh đã soạn sách này với phương châm khảo cứu cuộc chiến chống xâm lược Mông-Nguyên để rút tỉa bài học cho cuộc chiến chống quân xâm lược Hoa Kỳ. Như trong phần kết luận, tiên sinh ghi rằng: “Giờ đây, nhân dân Việt Nam lại đang chiến đấu và chiến thắng một tên cướp hung hãn khác là Đế Quốc Mỹ” (trang 303, bản 2019). Như vậy, ta thấy cuốn sách này được viết trong thời kỳ tinh thần dân tộc chủ nghĩa lên cao. Ta có thể thấy tiên sinh viết sử xưa để người đọc nay liên tưởng đến cuộc chiến tranh chống Mỹ, có mục đích cổ động quân dân miền Bắc vượt qua khó khăn để đánh thắng quân Hoa Kỳ và VNCH. . Điều này có nghĩa cách viết sử của tiên sinh có những ưu và khuyết điểm của tinh thần này.

Ưu điểm của sách

1) Sử liệu:

Một trong những ưu điểm lớn nhất mà sách này sở hữu, đó là số lượng sử liệu mà Hà tiên sinh sử dụng. Các nguồn sử mà tiên sinh dùng bao gồm sử liệu Việt Nam, sử liệu Trung Quốc, sử liệu Ả-rập và Ba Tư, sử liệu Nga, và nhiều công trình nghiên cứu của các nhà Mông Cổ học ở các nước phương Tây, điển hình là nhà sử học Pháp Paul Pelliot. Chỉ cần đảo mắt nhìn qua phần giới thiệu sử liệu của tiên sinh, ta đã thấy công sức sưu tập các nguồn sử liệu của tiên sinh và các đồng nghiệp của minh trong những năm 1960 hết sức đáng kinh ngạc và khâm phục.

a.  Sử liệu Việt Nam

Sử liệu Việt Nam mà tiên sinh sử dụng chính là quyển Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Vì các tài liệu như Trung Hưng Thực Lục (中興實錄), Vạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư (萬劫宗秘傳書) và Binh Thư Yếu Lược (兵書要略) đều đã thất lạc, tới nay vẫn không còn hi vọng nào để có thể tìm lại, nên tiên sinh đã phải than phiền rằng nguồn sử liệu Việt Nam rất sơ sài và ít ỏi. Ngoài những cuốn sách này ra, ta phải hiểu là còn rất nhiều sách sử nhà Trần đã thất lạc trong thời kỳ thuộc Minh, bị người Minh đốt bỏ hoặc đem về Trung Quốc. Đây là tổn thất lớn lao mà người Việt ta tới nay với tiếc nuối không dứt. Điều này khiến việc nghiên cứu không thể không dựa vào nguồn sử liệu dồi dào hơn của Trung Quốc. Bên cạnh cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư này, tiên sinh còn tham khảo thêm các sách chữ Hán viết tay được bảo tồn trong Thư Viện Khoa Học Trung Ương như Trần Đại Vương Bình Nguyên Thực Lục, Vạn Yên Thực Lục, Trần Triều Thế Phả Hành Trạng,…(trang 11). Nhưng như tiên sinh nhận xét, đây là các tài liệu chỉ có về sau, đa phần chép lại chứ không có gì mới mẻ so với Toàn Thư.
Tuy nhiên, trong các sử liệu mà tiên sinh sưu tầm sử dụng, có những sử liệu hết sức quý giá, đó là bài văn trên chuông Thông Thánh (Bạch Hạc Thông Thánh Quán Chung Ký白鶴通聖觀鐘記), bài văn trên bia mộ công chúa Phụng Dương (Phụng Dương Công Chúa Thần Đạo Bi Minh奉陽公主神道碑銘) và bài bia ở chùa Hưng Phúc dựng năm 1340 (興福寺碑). Đây đều là những tư liệu cực kỳ quý giá và khó tìm, nhưng tiên sinh đều đã thâu dụng xử lý rất chuyên nghiệp.

b. Sử liệu Trung Quốc

An Nam Chí Lược

Tư liệu đầu tiên mà tiên sinh sử dụng mà ta phải kể đến, đó là cuốn An Nam Chí Lược của Lê Trắc. Vì Lê Trắc đã theo chủ mình là Trần Kiện đầu hàng quân Nguyên trong cuộc chiến Nguyên-Việt lần 2 nên ông ta không thể không đứng trên lập trường của nhà Nguyên mà soạn sử. Tiên sinh nói sách này được viết “với một lập trường rất phản động” (trang 12, bản 2019). Từ “phản động” này là một từ phổ thông trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, dùng để chỉ những ý kiến và lập luận đi ngược lại với lập trường chủ đạo của chính phủ. Chúng ta không thể không thừa nhận những chỉ trích của tiên sinh và cộng sự đối với quyển An Nam Chí Lược này. Tiên sinh cũng nói dù sách viết bởi một người đã hàng giặc, nhưng vẫn là tài liệu cần thiết để nghiên cứu cuộc chiến chống Nguyên. Thật ra, ta phải có nhìn công bằng hơn cho Lê Trắc. Phần “Chinh Thảo Vận Hướng” trong quyển 4 của ANCL đã viết rất thiên lệch cho nhà Nguyên, chỉ chép những chiến thắng của nhà Nguyên mà không nhắc tới những chiến thắng của quân Trần. Tuy vậy, ở những phần khác, Lê Trắc đã sao chép y nguyên văn thơ của các sứ giả được vua Nguyên cử đến. Tiên sinh viết Lê Trắc “không muốn và không ngờ tới”, nhưng ở đây người viết phải nhấn mạnh nếu Lê Trắc không muốn và không ngời thì ông ta đã loại bỏ toàn bộ các văn thơ không có lợi cho nhà Nguyên, chứ đâu cần đưa vào. Điều đó cho thấy Lê Trắc khi soạn sách cũng không phải hoàn toàn thiên vị cho nhà Nguyên. Dù có nói giảm nói tránh cho quân Nguyên nhưng ở những phần khác ông cũng không muốn che lấp đi sự thật, đó chính là lý do tại sao ông chép y nguyên văn thư của vua tôi nhà Nguyên.

Nguyên Sử

Hà tiên sinh viết về Nguyên Sử như sau: “Đứng về phương pháp biên soạn mà nói, Nguyên Sử là bộ sử kém nhất, chứa đựng nhiều sai lầm và hỗn loạn nhất trong 24 bộ sử Trung Quốc.” Thật ra, công tâm mà nói, ta phải thấy Nguyên Sử là bộ sử rất quý giá về lịch sử nhà Mông-Nguyên. Vì sau khi nhà Minh lật đổ sự thống trị của người Mông Cổ, rất nhiều sử liệu đã thất tán hoặc bị hủy hoại. Điển hình là cuốn Kinh Thế Đại Điển đồ sộ ghi lại rất nhiều lĩnh vực của nhà Nguyên đã mất toàn bộ, chỉ còn vài phần trong Vĩnh Lạc Đại Điển. Điều đó cho ta thấy người Minh không chú trọng việc bảo tồn giữ gìn sử liệu đời Nguyên. Nguyên Sử phần bản kỷ và liệt truyện chủ yếu lấy từ “Thập Tam Triều Thực Lục” (十三朝朝實錄). Phần liệt truyện của Nguyên Sử còn dựa vào những by ký do các nhà Nho đời Nguyên soạn để tán tụng công tích của văn thần võ tướng đời Nguyên.

Khi nói về 24 bộ sử, không chỉ có Nguyên Sử, mà nhiều bộ sách khác cũng bị đánh giá phê bình, ví dụ nhà sử học chuyên nghiên cứu lịch sử nhà Tống Vương Tăng Du (王曾瑜) đã phê phán thế này về Tống Sử: 《宋史》二十四史中内容最庞杂的一部 (“Tống Sử” là bộ sử hỗn tạp nhất trong nhị thập tứ sử) (trích từ quyển Nhạc Phi Tân Truyện岳飞新传, trang 333) .

Xét về tính quan trọng thì Nguyên Sử là sử liệu quan trọng nhất để nghiên cứu lịch sử bang giao và chiến tranh giữa nhà Nguyên và nhà Trần. Chỉ riêng phần An Nam truyện (quyển 209) đã cung cấp cho ta cái sườn của toàn bộ quá trình ấy.
Nhưng ta cũng phải thấy sử liệu nhà Nguyên đã có chỗ cố tình mô tả động thái của vua Trần rất quỵ lỵ và khuất phục nhằm giữ thể diện cho triều đình Nguyên sau khi thất bại ba lần ở Việt Nam. Như đoạn này lấy từ Trương Lập Đạo truyện trong Nguyên Sử:

日燇拜,且泣涕而言曰:「公之言良是也,為我計者,皆不知出此。前日之戰,救死而已,寧不知懼天子使,公來必能活我。」北面再拜,誓死不敢忘天子之德。遂迎立道入,出奇寶為賄,立道一無所受,但要日燇入朝。日燇曰:「貪生畏死,人之常情,誠有詔貸以不死,臣將何辭。」乃先遣其臣阮代之、何惟巖等隨立道上表謝罪,修歲貢之禮如初,且言所以願朝之意。廷臣有害其功者,以為必先朝而後赦。日燇懼,卒不敢至,議者惜之。

Nhật Huyền bái lạy, còn rơi nước mắt mà nói: "Lời ngài nói đúng lắm, bọn bày kế cho tôi, đều không biết mọi việc xuất phát từ chỗ ấy (tức do biên tướng gièm pha). Chiến sự ngày trước, chỉ là để cứu chết mà thôi, chứ sao dám không biết sợ sứ của thiên tử, ngài đến tất có thể cứu sống tôi." Nhật Huyên hướng ra phía Bắc lạy, thề chết không dám quên đức của thiên tử. Bèn đón Lập Đạo vào, lấy vật lạ quý mà hối lộ, Lập Đạo quyết không nhận, nhưng muốn Nhật Huyên vào triều. Nhật Huyên nói: "Tham sống sợ chết, là lẽ thường của người, thực có chiếu tha chết, thần sao có thể thoái thác." Bèn trước tiên lệnh cho bề tôi là bọn Nguyễn Đại Chi, Hà Duy Nham theo Lập Đạo dâng biểu tạ tội, theo lệ tuế cống như trước, còn nói ý muôn triều cống. Đình thần có kẻ đố kỵ công của Lập Đạo, cho rằng tất phải trước vào chầu sau mới tha. Nhật Huyên sợ, rút cục không dám đến, những kẻ dị nghị lấy thế làm tiếc.

Các nguồn sử liệu khác:

Các nguồn sử liệu Trung Quốc khác đều được tiên sinh sử dụng để bổ sung cho Nguyên Sử. Tiên sinh đã khảo sát gần như toàn bộ thư tịch Trung Quốc có liên quan. Đây là một nỗ lực hết sức đáng khâm phục ở thời đại mà Internet chưa xuất hiện, khiến việc truy tìm và sưu tầm sử liệu hết sức khó khăn, đặc biệt trong điều kiện bom đạn khắc nghiệt.

Một điểm tuyệt vời của cuốn sách này đó là phần ghi chú bên dưới rất đỗi chi tiết. Gần như toàn bộ sử liệu được trích dẫn ghi chép rất chi tiết đầy đủ, khiến người viết rất dễ truy nguyên lại sử liệu.

2) Phương pháp tái xây dựng sự kiện lịch sử (historical reconstruction)

Toàn bộ sách của tiên sinh sử dụng phương pháp sắp xếp sự kiện theo trình tự thời gian (chronological order). Điều này nghĩa là tiên sinh phải chuyển đổi lịch Trung Quốc-Việt Nam sang Dương Lịch để người đọc dễ theo dõi. Đây là công việc phức tạp mà tiên sinh dày công nghiên cứu. Hiện nay đã có công cụ rất tiện dụng để ta chuyển lịch:


Do được sắp xếp như thế nên toàn bộ sách rất dễ theo dõi, rất dễ truy cứu mỗi khi phải tìm lại sự kiện lịch sử.

3) Xác định địa danh

Một điểm rất khó khác mà tiên sinh đã làm, đó là khôi phục và xác định địa danh xuất hiện trong thư tịch Việt Nam và Trung Quốc. Đây không phải là những nỗ lực của riêng tiên sinh, mà còn của các nhà sử học khác như giáo sư Đào Duy Anh. Song nhờ tiên sinh mà ta biết được đường tiến quân của quân Nguyên và quân Trần. Nếu không có những khảo cứu tỉ mỉ của tiên sinh thì ta rất khó hình dung tình hình chiến trận giữa 2 phe diễn ra như thế nào. Điều này cộng với trình tự thời gian mà tiên sinh phục dựng giúp đọc giả dễ theo dõi hơn.

4) Tái dựng tên của các nhân vật Mông Cổ và của các dân tộc khác:

Đây có lẽ là lĩnh vực mà tiên sinh đi trước rất nhiều nhà nghiên cứu. Các sách sử viết ở Trung Quốc ngày nay về nhà Nguyên đều giữ nguyên tên tiếng Hán của các nhân vật Mông Cổ hay các dân tộc không phải Hán. Điều này khiến cùng một chương mà tên các nhân vật này được thể hiện dưới các dạng khác nhau. Điều đó khiến người đọc không khỏi hoa mắt. Hà tiên sinh đã dày công nghiên cứu khôi phục tên Mông Cổ dựa trên quy luật ký âm của các nhà Mông Cổ học. Tuy nhiên, về mặt này, tiên sinh cũng đã gặp hạn chế. Người viết đã có cơ hội được trao đổi qua email với nhà Mông Cổ học nổi tiếng Christopher Atwood tại đại học Penn, Hoa Kỳ. Các tên mà Hà tiên sinh phục dựng đa số gần đúng, nhưng có nhiều tên sai cần chỉnh sửa. Dẫu sao trước giờ chưa ai làm được như tiên sinh nên có thể nói tiên sinh là người tiên phong trong lãnh vực này.

Nhược điểm của sách

Thiên vị cho nhà Trần

Sự thiên vị của tiên sinh cho nhà Trần thể hiện rõ nhất qua những điểm sau:
Ở trận tấn công Vạn Kiếp tháng 2 năm 1285, tiên sinh cho rằng: “Nhiều tài liệu chép rằng quân Trần đã tan vỡ, nhưng đó là đứng trên lập trường của kẻ thù, huênh hoang khoác lác (An Nam Chí Lược, Nguyên Sử), hoặc chỉ nhìn một cách hời hợt mặt ngoài.” Nhưng khảo cứu kỹ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có 2 chi tiết cho thấy quân Trần đã chịu tổn thất và đánh bất lợi với quân Nguyên:

乙酉七年九月以後重興元年元至元二十二年,春,正月六日,元烏馬兒犯萬刼、普頼山、等處官軍奔潰

Ất Dậu, [Thiệu Bảo] năm thứ 7 [1285], (từ tháng 9 về sau là Trùng Hưng năm thứ nhất, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 22). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 6 (11-2-1285), tướng Ô Mã Nhi đánh vào các xứ Vạn Kiếp và núi Phả Lại, quan quân tan vỡ bỏ chạy.

Sử ta ghi rất rõ quân Trần đã tan vỡ. Chính sử của ta đã không dấu giếm gì thất lợi này nên ta đâu thể dễ dàng nói quân Trần “chủ động rút lui”?

Lại một chi tiết nữa cho thấy thế quân Nguyên rất mạnh:

賊兵勢逼,二帝潜御小舟幸三峙源。命引御舶出玉山,以疑賊情。

Thế giặc bức bách, hai vua ngầm đi chiếc thuyền nhỏ đến Tam Trĩ nguyên, sai người đưa thuyền ngự ra Ngọc Sơn để đánh lừa giặc.

Chúng ta thấy rõ chính sử nước ta đã thừa nhận giai đoạn đầu trong cuộc chiến thứ 2, quân ta đã không thể đẩy lui được địch, thậm chí còn tan vỡ thì làm sao có thể nói Nguyên Sử “huênh hoang khoác lác”?

Dĩ nhiên, quân Trần đã chủ động rút quân đi để bảo toàn lực lượng. Trước khi chiếm Thăng Long, Nguyên Sử còn ghi:

其險隘拒守處,俱有庫屋以貯兵甲。其棄船登岸之軍猶衆

Chúng phòng thủ ở các nơi hiểm yếu đều, có nhà kho để chứa binh giáp, mà quân chúng bỏ thuyền lên bờ cũng rất đông.

Điều này chứng tỏ tuy quân Trần có tổn thất nhưng lực lượng vẫn được bảo toàn. Một điều phải ghi nhớ đó là quân Trần dùng thuyền bè để tiến và lui quân, nên ngay cả khi quân Trần rút lui trong hỗn loạn, tan vỡ, thì vẫn có thể tụ tập lại rồi dùng thuyền tránh quân Nguyên. Quân Nguyên trong lần 2 không mang nhiều thuyền theo nên không thể truy kích kịp.

Thiếu khách quan khi xét thái độ vua Nguyên:

Hà tiên sinh đã nhiều lần gọi cách viết chiếu thư của vua Nguyên là "xảo quyệt" (trang 90, bản 2019), "ngạo mạn láo xược" (trang 101, bản 2019). Ta thấy những lời lẽ của Khã Hãn Qubilai thật ra là những lời hăm he đe dọa đặc trưng của các vương triều Mông Cổ, nó thể hiện cái uy và sự tự tin qua những chiến thắng quân sự với nhiều nước mạnh khác. Một cách khách quan, ta phải xem xét những lời lẽ đó trong phạm vi ngoại giao đời Trần-Nguyên. Nhà Trần đã tự xưng là chư hầu của Mông-Nguyên thì hãn nhà Nguyên có quyền dùng giọng "bề trên" để nói chuyện với vua Trần.

Những lời hăm dọa ấy không phải chỉ có ở các chiếu thư Hãn Qubilai gửi cho vua Trần, mà còn cả ở chiếu thư gửi cho Nhật Hoàng:

Đến như dụng binh, có ai lại thích việc, vương hãy suy tính đi." (以至用兵,夫孰所好,王其圖之。)

Xem thêm ở đây:


Thư từ mà Ilkhan Hulegu gửi nhà cầm quyền cuối cùng triều Ayyubid cũng mang đầy tính hăm dọa như thế.

Nếu nói chiếu thư láo xược, dùng ngay những cách đánh giá của tiên sinh, ta có thể nói vua Lê Thánh Tông cũng "ngạo mạn xấc láo" không kém gì Qubilai:

昔我太祖髙皇帝蕩平亂畧、肇造家邦。太宗文皇帝敬天勤民、繼志述事、小懷大畏、内修外攘。裳卉䯻椎、梯山航海、萬流仰德、八極傾風。蚩蠢占城、趦趄鬼窟、蜂蠆養而成毒、禽獸飽而忘恩、躑躅獨夫、徘徊小智、彰聞穢德、好忘無地之軀、包藏禍心、妄畫射天之策。

"Bọn Chiêm Thành ngu xuẩn kia, thập thò trong hang thỏ, như loài ong độc, được nuôi rồi đốt lại, như giống cầm thú, ăn no lại quên ơn; là kẻ vô đạo lừng khừng, là hạng tiểu trí lẩn quẩn. Thái nhơ nhuốc sờ sờ, quên thân mình không đất ở, lòng gian ác chất chứa, vạch liều kế bắn trời cao."

Những sử liệu chưa dùng:

Trong quá trình tìm tòi, sưu tập, và dịch thuật, người viết đã phát hiện nhiều tư liệu mới có thể bổ sung thêm cho nghiên cứu của tiên sinh. Tiên sinh đã không có trong tay những tư liệu đời Nam Tống như Khả Trai Tục Cảo hậu (可齋續藁後) của Lý Tăng Bạch (李曾伯 1198-1268). Đây là tài liệu rất quý thể hiện quan hệ tam giác Trần-Nguyên-Tống. Lý Tăng Bạch có tiếp xúc với sứ giả ta ở Quảng Tây, do đó ít nhiều nắm được tình hình của ta trong thời gian kháng chiến lần 1.
Tài liệu thứ hai mà tiên sinh chưa có, có thể dùng để bổ sung nhiều chi tiết cho trận Bạch Đằng năm 1288, đó là bài bia của viên tướng Phàn Tiếp được lưu giữ trong cuốn Phó Dữ Lệ Văn Tập (傅與礪文集) của nhà thơ Phó Nhược Kim (傅若金).
Tài liệu mới tuy không phải là quá nhiều nhưng nếu tiên sinh có trong tay, chắc chắn sách của tiên sinh sẽ đầy đủ và công phu hơn.

Tổng kết:

Lời kết cho trước tác này của Hà tiên sinh đó là đây là một danh tác rất đáng trân trọng, không thể không đọc với những ai muốn tìm hiểu quan hệ ngoại giao Nguyên-Việt, chiến tranh giữa Nguyên-Việt và Nguyên-Champa. Những nhược điểm có thể dễ dàng được loại bỏ nếu được đọc song song với bản dịch mà người viết dịch trong vài năm qua:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HISTORY OF YUAN: BIOGRAPHY OF URYANGQADAI (CHAPTER 412): A TRANSLATION AND ANNOTATION (宋史孟珙傳注譯(卷412)注譯)

  1.   兀良合台,初事太祖。時憲宗為皇孫,尚幼,以兀良合台世為功臣家,使護育之。憲宗在潛邸,遂分掌宿衞。歲(乙)〔癸〕巳,[5]領兵從定宗征女真國,破萬奴於遼東。繼從諸王拔都征欽察、兀魯思、阿〔速〕、孛烈兒諸部。[6]丙午,又從拔都討孛烈兒乃、捏迷思部,平之。己酉,定宗崩。...