Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

GIỚI THIỆU SỬ GIA: TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG (1938-2016) 歷史學家之介紹:謝志大長 (1938-2016)


Tạ Chí Đại Trường lúc trẻ khi còn phục vụ trong QLVNCH

Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường (謝志大長) sinh ngày 21 thang 6 năm 1938 tại thành phố Nha Trang. Cha ông là Cử Nhân Hán Học Tạ Chương Phùng, Tỉnh Trưởng Tỉnh Bình Định, một thành viên nhóm Caravelle, một nhóm các chính trị gia có khuynh hướng chống Cộng. Anh họ ông là Tạ Chí Diệp bị chính quyền Ngô Đình Diệm giết hại (1).


Ở cấp trung học, ông theo học ở một trường tại Bình Định và Nha Trang.

Năm 1962, ông tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, bằng Cử Nhân Văn Khoa. (2)

Năm 1964, ông tốt nghiệp Viện Đại Học Sài Gòn với bằng Cử Nhân ngành lịch sử.


Tạ Chí Đại Trường tiên sinh khi đã có tuổi

Sau đó, ông nhập ngũ và phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa khoảng 10 năm (từ 1964-1974). Cũng trong năm 1964, ông hoàn thành trước tác nổi tiếng "Lịch Sử Nội Chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802". Tập sách sử dụng không chỉ tài liệu Hán Văn mà còn các ghi chép của các giáo sĩ và sĩ quan người Pháp. Khác với các nhà sử học phương Bắc hay cả phương Nam, vốn thường hay tôn hoàng đế Quang Trung lên thành anh hùng dân tộc, ông xem vị hoàng đế này với con mắt bình thường. Đồng thời, ông cũng không chì chiết Nguyễn Ánh là người "cõng rắn cắn gà nhà". Trong nhiều nhận định, ông đã công tâm đánh giá vai trò và khả năng của Nguyễn Ánh trong công cuộc thống nhất Đại Nam. Ông viết:

"Vì sự có mặt của giáo sĩ ở khắp nơi, của những nhà buôn, lính tráng Tây phương trên đất nước này mà chúng ta có thêm một lô những tài liệu gồm những bức thư kể cho nhau nghe về tình hình trong, ngoài nước, nhận xét của họ về những nhà cầm quyền bản xứ, về tương quan giao tiếp giữa chính quyền, dân chúng bản xứ và người ngoại quốc."

Khi viết về Nguyễn Huệ, ông đã viết thế này:

"Người con gái Bắc Hà 16 tuổi đó cũng biết nhược điểm của bậc anh hùng nên đã dùng thế lực riêng của mình mà ảnh hưởng tới quyết định của Nguyễn Huệ khi đòi phế tự hoàng Lê Duy Kỳ, lập Sùng Nhượng công Duy Cẩn, khi thì đòi ngược lại, "mếu khóc" vuốt ve tự ái đấng trượng phu. Tình cảm mềm yếu cũng tỏ rõ mấy năm sau, khi Quang Trung "điên cuồng lên" vì một người vợ mất ở Phú Xuân"


Các phiên bản của tác phẩm đầu tay của ông

Tuy vậy, ông vẫn công nhận tính cách mạnh mẽ lẫm liệt và oai phong của Nguyễn Huệ:

"Tấm lòng say mê đó đem đổ vào cuộc đời ông, nơi triều chính, nơi chiến trường biến thành một sức quyến rũ lôi cuốn mọi người. Dù Nguyễn Nhạc có ghét em đến dùng chữ "giảo quyệt", "hợm hĩnh", "kiêu ngạo", người ta vẫn nhìn hành động của Huệ để mà thấy các hình dung từ trên không có ý nghĩa xấu khi gán cho một con "hùm (muốn) ra khỏi cũi". Trái lại, khi bàn về Nguyễn Huệ, Nguyễn Hữu Chỉnh đang ở thế đối địch, Nguyễn Đình Giản cứng cỏi đều nhận "Bắc Bình vương là một tay anh hùng". Khi triều thần Bắc Hà họp lại để bàn việc cử người vào đòi Nghệ An, Phan Lê Phiên loại Nguyễn Đình Giản, Phạm Đình Dư, viện lẽ "Bắc Bình vương là người rất quyệt, hay dùng trí thuật lao lung người khác, trong lúc bàn luận, khi xuống lại nâng lên người ta không biết đâu mà dò". Trần Công Xán, viên sứ giả được đề cử sau lúc "luôn trong mấy hôm vẫn không cử được người nào", cũng phải e dè nhận rằng kẻ mình phải thuyết là "người huyền bí khó lường"

Ở một đoạn khác, ông viết:

"Kẻ thù của Tây Sơn ở phương Nam, tuy phải chui nhủi chạy trốn, tức giận vì vua chúa họ suýt diệt tộc trong tay Nguyễn Huệ cũng không thể nào nói khác hơn những lời khen lao được, tuy họ đã từng chê trách thậm tệ Nguyễn Nhạc. Sử quan viết: "Nguyễn Văn Huệ là em Nhạc, tiếng nói như chuông, mắt sáng như điện, giảo, kiệt, thiện chiến? ai cũng phải sợ... Bốn lần đánh Gia Định, lúc ra trận đều đi trước, sĩ tốt hiệu lệnh nghiêm minh, thuộc hạ ai nấy dốc lòng vâng mệnh"

Và cuối cùng, ông cho rằng Nguyễn Huệ đã giang tay che chở cho triều đình không bền vững Tây Sơn:

"Có thể nói Nguyễn Huệ đã dùng hào quang của mình mà che chở cho chế độ khi phong trào Tây Sơn đưa ông lên đài danh vọng."

Qua những dòng này, ta thấy Tạ tiên sinh không hề hạ thấp Nguyễn Huệ. Bản chất của triều đại đã được ông tiên phong chỉ ra. Ta thấy những đánh giá sau Giải Phóng về quyển sách của ông là vô căn cứ (họ nói "hạ thấp Quang Trung, đề cao Gia Long"). Càng sai lầm hơn, các sử gia miền Bắc còn nói phong trào Tây Sơn là một phong trào khởi nghĩa nông dân, rằng Nguyễn Huệ là người anh hùng "áo vải" của nhân dân. Quả là một sai lầm, mà ở đây ai cũng biết ai sai ai đúng. (3)

Tác phẩm của ông đoạt Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1970. Sách được xuất bản Văn Sử Địa ấn hành năm 1973. Về mặt văn chương (stylistic element), câu văn của ông dài và có cấu trúc ngữ pháp phức tạp.

Sau Giải Phóng nă 1975, do mang quân hàm Đại Úy và bị liệt vào hàng sĩ quan "Ngụy" quyền nên ông phải đi tù cải tạo (theo sách "Inside An Loc: The Battle to Save Saigon, April-May 1972" trang 195) đến năm 1981.

Quãng đời giữa năm 1981 đến năm 1994, khi ông được đi định cư ở Hoa Kỳ, không thấy nhắc tới. Nhưng cũng như nhiều sĩ quan thuộc chế độ cũ, cuộc sống của ông chắc cũng phải rất khó khăn và gian truân.

Ông sang Mỹ năm 1994 dưới diện HO (Humanitarian Operation). Quảng thời gian này, có lẽ ông cũng đi làm cực nhọc như nhiều di dân thời kỳ ấy. Ban đầu ông cư trú ở thành phố Oklahoma, tiểu bang Oklahoma. Về sau, ông cùng gia đình chuyển sang Westminster, California. Ông cho xuất bản tiếp các tập sách có giá trị khác như "Thần và người đất Việt", "Sử Việt đọc vài quyển", "Những bài văn sử". Ông cũng không có liên hệ gì nhiều với các học giả trong nước.

Trong tập sách "Sử Việt đọc vài quyển", ông đã nghiên cứu kỹ về mặt văn bản học (textual analysis) của cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Về đại thể, nó vạch ra các dòng sử Tăng đạo và Nho thần trong thời kỳ Lý-Trần. Nó cũng thể hiện những mâu thuẫn trong tư tưởng giữa 2 phái này.

Quyển "Thần và người đất Việt" là một nghiên cứu hiếm hoi về lịch sử tôn giáo Việt Nam.

Khi sang Mỹ, ông dày công tìm kiếm và thâu thập tư liệu từ những buổi chợ trời, tích góp lại các sách cũ. Ông cũng sưu tầm tiền cổ và viết nhiều nghiên cứu đến lịch sử tiền tệ Việt Nam.

Cuối thập niên 2000, vì không khí chính trị ở Việt Nam đã trở nên tự do, thoải mái và cởi mở hơn nên sách của ông được lần lượt tái bản. 

Ông qua đời ngày 24 tháng 3 năm 2016 tại thành phố Hồ Chí Minh. Ý nguyện cuối đời của ông là được thanh thản qua đời nơi chôn nhau cắt rốn.

Nói về phong cách sử của ông, báo Tia Sáng viết như thế này:

"Phong cách sử tư gia

Về chữ "dã sử" trong Những bài dã sử Việt, Tạ Chí Đại Trường đã giải thích: "Tôi dùng chữ dã sử theo nguyên gốc của nó, loại non-official history, đối kháng với chính sử là của triều đình làm ra"4. Không theo lối mòn của sử quan phương, Tạ Chí Đại Trường trước sau là một sử tư gia, tự mình tìm kiếm, kiến giải các sự thật và cũng chính mình đứng ra bảo lãnh, chịu trách nhiệm về sai sót, khuyết thiếu. Đây là chủ đích, tư thế và phẩm cách khó lẫn của ông.

Sự lựa chọn phương pháp nghiên cứu và cách thức diễn đạt những kết quả thu lượm, như điều ông xác thực, đã làm tính cách các cuốn sách của ông trở nên nổi bật. Trước hết, là cái nhìn khác về một số vấn đề lịch sử, tránh tái lặp những mặc định có sẵn. Việc ông kiên quyết đi đến tận cùng bảo vệ chính kiến, với mục tiêu dựng lại hồ sơ quá khứ như nó là chứ không phải như nó bị muốn là, đã tạo nên những kết luận hoặc giả thiết khác hết sức hấp dẫn. Ông có một loạt những giải thích, kết luận khác về đình làng (Một trú sở Việt của thần linh: cái đình làng), về loạn thập nhị sứ quân (Dòng sử kí tăng đạo), về chế độ nội hôn thời Trần (Phổ hệ và chế độ nội hôn của họ Trần), lễ tịch điền (Những Hoàng đế – Điền chủ Đại Việt thế kỉ X-XIV)… Những kết luận ấy, trước khi có thể bàn đúng-sai, thì luôn khiến người đọc bị “nhập tâm” bởi lập luận sắc sảo, chứng cớ đa nguồn và đặc biệt, bởi tinh thần tôn trọng khảo cổ học và tiến cận tri thức nghiêm túc, tỉ mỉ vốn là yêu cầu cốt yếu của người viết sử." (4)

Chú thích:


Các tác phẩm sử học:

Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Nxb. Văn Sử học, Sài Gòn 1973. (Tái bản: Lịch sử nội chiến ở Việt Nam (1771-1802), Nxb. An Tiêm, Hoa Kì 1991; Tái bản: Việt Nam thời Tây Sơn – Lịch sử nội chiến 1771-1802, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội 2006.)

Thần, người và đất Việt, Nxb. Văn Nghệ, Hoa Kì 1989; Văn Học xb., Hoa Kì 2000, bản mới; Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội 2006, bản mới.

Một khoảnh Việt Nam Cộng hoà nối dài, Nxb. Thanh Văn, Hoa Kì 1993.

Việt Nam nhìn từ bên trong và bên ngoài, bài viết riêng được gộp chung với Nguyễn Xuân Nghĩa, Nxb. Văn Lang, Hoa Kì 1994.

Những bài dã sử Việt, Nxb. Thanh Văn, Hoa Kì 1996.

Những bài văn sử, Văn Học xb., Hoa Kì 1999.

Lịch sử Việt Nam trong tầm mắt người Việt: Một lối nhìn khác. Bài viết cho Williams Joiner Center (UMASS/Boston) 2002.

Sử Việt đọc vài quyển, Văn Mới xb., Hoa Kì 2004.

 Người lính thuộc địa Nam Kì (1861-1945), bản thảo 1975.

Sơ thảo: Bài sử khác cho Việt Nam, bản thảo bắt đầu 2005.

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

GIỚI THIỆU SỬ GIA: HOÀNG XUÂN HÃN (1908-1996) 歷史學家之介紹:黃春瀚 (1908-1996)


Hoàng Xuân Hãn tiên sinh thưở còn trẻ

Nhà sử học, toán học và giáo dục học Hoàng Xuân Hãn (黃春瀚) sinh ngày 8 thang 3 năm 1908 (1) tại làng Yên Hồ, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (cùng quê với Hà Văn Tấn tiên sinh). Cha ông là Hoàng Xuân Úc, tú tài Hán học. Mẹ ông là cụ bà Lê Thị Ấu. Khi nhỏ ông được dạy chữ Quốc Ngữ và chữ Hán tại nhà. Từ năm 1917 đến năm 1921, ông theo học trường tiểu học Vinh. Thưở đó người ta dạy ông bằng tiếng Pháp. Từ năm 1922 đến năm 1926, ông học trường Quốc Học Vinh (trung học đệ nhất cấp). Năm 1926, ông đỗ bằng Thành Chung. Ông lên Hà Nội học trường Bảo Hộ, tức trường Bưởi (nay là Trường Trung học phổ thông Chu Văn An). Cùng năm, ông tự học ôn thi rồi thi lấy bằng Tú Tài Pháp. Năm 1927-1928, ông được nhận vào trường Albert Sarraut (Lycée Albert Sarraut, trường này giải thể năm 1965, còn được biết đến dưới tên Trường Bưởi). Ông theo học ban Toán. Trong lúc này, phụ thân và mẫu thân ông hứa gả ông cho một gia đình ở Hương Sơn. Cô con gái gia đình ấy là con một nhà khoa bảng. Từ năm 1928 đến 1930, ông được chính phủ Bảo Hộ Đông Dương cấp học bổng sang Pháp du học, học dự bị để thi vào các trường lớn (Grandes Écoles) lúc bấy giờ. Đương thời với ông có luật sư Nguyễn Mạnh Tường cũng học trường Albert Sarrault và đậu học bổng sang Pháp. Ông học khóa Mathématiques Supérieures (Toán học cao cấp) và Mathématiques Spéciales (Toán học đặc biệt) trường trung học Saint Louis, Paris, năm 1930. Bấy giờ, ông viết thư về cho gia đình, nói: "Con gái thì có lứa, con còn lâu mới về được, nếu có nơi xứng đôi vừa lứa thì gia đình cứ để cho V. gây dựng gia thất, con không có gì dám oán trách". Cùng năm ấy, cô gái ấy lấy chồng, ông viết thơ Đường luật tặng bà như sau:

Sắt cầm duyên mới mừng tươi thắm
Gang tấc lòng xưa luống lữ hoài
Chớ trách vàng thau hay kẹn kẻ
Vì thương son phấn dễ tàn phai (2)

Ông thi đỗ vào cả hai trường École Normale Supérieures và École Polytechnique. Cả hai trường đều tuyển sinh rất gắt gao nên vào học được chứng tỏ ông rất giỏi. Ông biên soạn trước tác đầy tay "Danh từ khoa học" (Vocabulaires Scientifiques - 科學叢書 (Khoa học tùng thư)). Năm 1932 đến năm 1934, ông theo học trường École Nationale des ponts et chaussées (nay là trường École des ponts ParisTech), một trong những trường danh giá nhất nước Pháp. Năm 1934, ông có về Việt Nam một lần, sau đó lại sang Pháp ngay. Trên chuyến tàu ông gặp bà Nguyễn Thị Bính. Năm 1935 ông thi đậu cử nhân Toán và lấy bằng thạc sĩ Toán học năm 1936. Cũng trong năm đó, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Bính và cho xuất bản sách giáo khoa Toán về Lượng Giác mang tên "Eléments de trigonométrie" (Cơ sở lượng giác). Trong những năm 1936 đến 1939, ông quay về Việt Nam dạy ở trường Bưởi. Cũng trong thời gian này, ông hoàn thành cuốn Danh từ khoa học đã nói ở trên. 


Quyển Danh Từ Khoa Học

Năm 1942, ông cho xuất bản cuốn sách đó. Năm 1943, ông tham gia giảng dạy tại Đại Học Khoa Học mới mở ở Hà Nội.Trong thời gian này, ông có tham gia Hội Truyền Bá Quốc Ngữ, tham gia chiến dịch Chống Nạn Thất Học. Ông cùng một số đồng nghiệp nghiên cứu đưa ra phương pháp mới để dạy học sinh chữ Quốc Ngữ, Do tình hình chiến tranh Đông Dương giữa Pháp với Nhật mà trường Bưởi của ông phải dời vào Thanh Hóa. Tại đây, ông đã tìm hiểu và phát hiện về La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723-1804), danh nho cuối đời Hậu Lê và triều Tây Sơn. Ông cũng tìm ra nhiều tấm bia dựng ở chùa đền có liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp của Lý Thường Kiệt. Ông bắt đầu xuống bút viết cuốn "La Sơn Phu Tử" (từ năm 1939). Ông về làng Nguyệt Ao, gặp các hậu duệ của Nguyễn Thiếp. Họ hàng tiếp ông nồng hậu, nói rằng họ còn giữ các chiếu chỉ xưa do cụ Thiếp soạn. Trong đó có cả chiếu, thư, tờ truyền, đạo sắc. Quý nhất là bức thư bằng chữ Nôm do chính Quang Trung Hoàng Đế viết mời cụ Thiếp đến thưởng lãm Phượng Hoàng Trung Đô.Ông phát hiện ra tập thơ của cụ Thiếp là cuốn Hạnh Am Thi Cảo (幸庵詩稿). Song song với việc nghiên cứu sử liệu về La Sơn Phu Tử, ông còn tìm lại gia phả, tiến hành so sánh nó với quốc sử. Công trình nghiên cứu công phu, đến năm 1945 thì ông cho xuất bản tập sách tiểu sử này, mang tựa La Sơn Phu Tử. Gần đây sách này đã được tái bản bởi Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội và Nhà Sách Khai Tâm, năm 2019.



Quyển La Sơn Phu Tử

Khi chính quyền Trần Trọng Kim được thành lập, ông được bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Mỹ Thuật. Ông cùng đồng nghiệp gấp rút biên soạn sách giáo khoa cấp tốc chỉ trong 10 ngày (3) dựa vào sách của chương trình Pháp trước đây.

Sau năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim sụp đổ, ông từ chức. Thời gian này, chiến tranh Pháp-Việt nổ ra, ông bị kẹt lại ở Hà Nội không xuất ngoại được. Bấy giờ ông tìm cách thu thập cứu vãn các sánh cũ sách xưa bị bán làm giấy vụn trên khắp đường phố Hà Nội. Ông cũng bắt đầu nghiên cứu về truyện Kiều của Nguyễn Du. Ông cũng tham dự Hội Nghị Đà Lạt năm 1946, là hội nghị dọn bước cho Hội Nghị Fontainebleau với tư cách Trưởng Ban Chính Trị, Giáo Sư, nguyên Bổ Trưởng Bộ Giáo Dục-Mỹ Thuật của chính phủ Trần Trọng Kim.



Sách Lý Thường Kiệt, bản đầu 1949, tập 2 (Chia làm 2 tập)

Năm 1949, ông cho xuất bản kiệt tác "Lý Thường Kiệt: Lịch Sử Ngoại Giao và Tông Giáo triều Lý. Trong cuốn sách này, ông đã vận dụng các phương pháp sử học hiện đại để tiến hành đối chiếu, so sánh, trần thuật lại các sự kiện theo thứ tự thời gian về tranh chấp biên giới giữa Tống và Lý, âm mưu Nam phạt của vua tôi Tống Thần Tông và Vương An Thạch, cuộc Bắc phạt bất ngờ của Lý Thường Kiệt, cuộc thảo phạt phục thù của triều Tống, lịch trình ngoại giao đòi đất của triều Lý, và lịch sử Phật giáo trong khuôn khổ cuộc đời Lý Thường Kiệt. Tiêu chí cuốn sách là "Không bịa đặt, không tây vị, hết sức rõ ràng, đó là những chuẩn thằng tôi đã theo" (trang 11, bản 2019). Cho đến nay cuốn sách vẫn là một tác phẩm sử học mẫu mực mà giới sử học cũng như bạn đọc trân trọng hết mực.

Năm 1951, ông quay lại Pháp và cư trú dài hạn luôn bên ấy. Trong thời gian từ năm 1951 đến 1954, ông giúp Thư Viện Quốc Gia Pháp (Bibliothèque nationale de France) và Thư Viện Dòng Tên ở Ý và Tòa Thánh Vatican làm thư mục về thư tịch Việt Nam. Ông cũng tham gia viết nhiều bài nghiên cứu trên báo Sử Địa (in ở Sài Gòn những năm 1966-1974), Khoa Học Xã Hội (1976-1987), Đoàn Kết (1978-1981), Diễn Đàn (1991-1994). Năm 1953, ông cho xuất bản cuốn "Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo", trong đó, ông nói là đã sưu tầm được 4 bản và 1 bản phỏng tác. Áp dụng phương pháp văn bản học, ông đã xác định bản Chinh Phụ Ngâm hiện hành là bản của cụ Phan Huy Ích. (4)

Về thân thế của bà Hồ Xuân Hương, ông nói thế này:

"Sau này tôi có một phần gia phả của họ Hồ, tra ra thì thấy rằng Hồ Xuân Hương với Nguyễn Huệ cùng một thế hệ đối với gốc họ Hồ này, mà họ Hồ này bắt đầu ở Việt Nam từ đời hậu Đường lúc mình còn đương thuộc nhà hậu Đường vào khoảng thế kỷ thứ X. Hồ Xuân Hương và Nguyễn Huệ cùng ngang hàng, vào khoảng hàng thứ 12, nhưng có lẽ đến đời thứ 5, thứ 6 thì mới chung một gốc. Có một gốc đi từ Quỳnh Lưu vào Hưng Nguyên, rồi từ Hưng Nguyên vào Bình Định, đổi thành họ Nguyễn của Nguyễn Huệ." (5)

Đối với nguồn sử liệu hiếm hoi thời Lý-Trần, ông nói:

"Cái còn lại chủ yếu là những bài thơ, phần nhiều là những bài thơ ngắn. Văn xuôi hầu như không còn lại gì của thời cổ. Bởi lẽ thuở ấy không có ngành in ấn, người ta phải chép tay. Chính vì vậy chỉ có những nhân vật lớn mới có thể cho khắc bản tác phẩm của họ. Mặt khác, khi mà tác phẩm đồ sộ, thì ít người chép nổi, trong lúc các bài thơ bát cú thì có nhiều may mắn lưu lại hơn bởi vì có nhiều người chép lại được. Vậy nên, khi tôi nói về những cái tồn tại, thì điều ấy không phải muốn nói rằng chúng đại biểu cho một thời đại; đấy chỉ là những gì người ta biết được về thời đại ấy mà thôi. Và, nếu văn chương đã gây một số ảnh hưởng đối với giới học thức thì tôi không nghĩ rằng nó lại gây được một ảnh hưởng sâu xa trên chính quần chúng. Ít tác phẩm bằng văn viết mà còn tồn tại đầy đủ, với sự ẩm thấp với những nạn lụt với sự thiếu thốn kỹ thuật bảo quản và nhất là chiến tranh và hỏa hoạn. Những tác phẩm còn tồn tại thường được viết bằng chữ Trung Quốc.

Thời nhà Lý (thế kỷ 12) ngoại trừ 8 văn bản quan trọng viết bằng văn xuôi được khắc trên đá và một số chiếu biểu hãy còn lại trong các biên niên, chỉ còn những bài thơ (kệ) của các tăng lữ Phật giáo. Đó là những tư tưởng ngắn gọn, sâu xa và đẹp đẽ. Chúng vẫn còn tồn tại nhờ được bảo tồn trong những ngôi chùa vùng núi Hải Dương. Những bài thơ (kệ) ấy được viết bằng chữ Trung Quốc.

Thời nhà Trần, ít ra có 9 tác phẩm trọn vẹn viết bằng chữ Trung Quốc được thu tập lại: 2 cuốn biên niên, 2 ký sự, hai tác phẩm Phật giáo, (Cao Tăng Truyện), 1 cuốn lịch sử các vị cao tăng Phật giáo, một cuốn Truyền Kỳ mạn lục và 1 cuốn Việt Điện U linh.

Ngoài những tác phẩm ấy, người ta còn tìm thấy chừng 400 bài hoặc thơ hoặc văn xuôi với những cảm hứng khác nhau." (6)

Ông mất lúc 7 giờ 45 ngày 10 tháng 3 năm 1996, tại bệnh viện Orsay, ngoại ô thành phố Paris. Ông được hỏa táng chiều ngày 14/3/1996 tại nghĩa trang L'Orme des Moineaux, Les Ulis, Pháp.

Chú Thích

(1) Cổng thông tin-Giao Tiếp Điện Tử Huyện Phú Thọ
(2) Chuyện tình người nổi tiếng: Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và vần thơ se duyên
(3) Chương trình giáo dục và sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hòa
(4) Viện Hán Nôm

Danh sách các tác phẩm:

Eléments de trigonométrie, Hanoi: Les Editions nouvelles 1936

Danh từ khoa học, Hanoi: impr. de Trung – Bac, 1942 《科學名詞》

Lý Thường Kiệt: Lịch Sử Ngoại Giao Và Tông Giáo Triều Lý, Sông Nhị, 1949 《李常傑》

Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt 《大叻會議的一些跡象》

Thiên Tình Sử Hồ Xuân Hương  《胡春香的情史》

Thi văn Việt Nam 《越南詩文》

La Sơn Phu Tử, 1952《羅山夫子》

Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo, 1953《征婦吟備考》

Nghiên cứu Kiều 《金雲翹傳研究》

GIỚI THIỆU SỬ GIA: HÀ VĂN TẤN (1937-2019) 歷史學家之介紹:何文晉 (1937-2019)


Hà Văn Tấn tiên sinh thời còn trẻ

Nhà sử học Hà Văn Tấn sinh ngày 16 tháng 8 năm 1937 tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Dòng họ ông có truyền thống hiếu học và khoa bảng (1). Năm 1955, sau khi tốt nghiệp lớp 9, Hà tiên sinh ra Hà Nội. Sau đó một năm, ông được tuyển vào khoa Sử học đại học Sư Phạm Hà Nội. (2) Năm 1957, ông tốt nghiệp trường chỉ trong 2 năm và lưu lại trường làm giáo viên giảng dạy ngành lịch sử Việt Nam. Hà tiên sinh được dạy dỗ và chỉ dẫn bởi nhà sử học nổi tiếng Đào Duy Anh.

Bài giảng Triết Học Lịch Sử Hiện Đại (1990)

Năm 1960, ở tuổi 23, ông đã tiến hành chú dịch quyển “Dư Địa Chí” của Nguyễn Trãi.  Đây là một công trình công phu do ông dày công hiệu chú. Cũng cùng năm, ông và Trần Quốc Vượng tiên sinh cùng xuất bản cuốn “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập 1”. Năm 1968, khi ông mới 31 tuổi, ông đã cùng với Giáo Sư Phạm Thị Tâm biên soạn cuốn "Cuộc Kháng Chiến Chống Xâm Lược Nguyên Mông Thế Kỷ XIII". Đây là một trước tác hết sức quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến các tác phẩm sử học về sau, điển hình là cuốn "Một Số Trận Quyết Chiến Chiến Lược Trong Lịch Sử Dân Tộc" do Phan Huy Lê tiên sinh chủ biên. Trong trước tác này, ông đã tham khảo hầu hết các sử liệu Việt Nam, Trung Quốc, Ba Tư có liên quan đến lịch sử bang giao và chiến tranh giữa hai triều Nguyên-Trần. Khi phân tích sử liệu, ông đã vạch ra những sai lầm và hạn chế của sử liệu Trung Quốc, đồng thời dùng sử liệu Việt Nam và lập luận riêng của mình để đính chính những chỗ sai sót của sử liệu Trung Quốc. Bên cạnh việc nghiên cứu các nguồn sử liệu kể trên, ông còn tham khảo rộng rãi các nghiên cứu về lịch sử đế chế Mông Cổ của các nhà Mông Cổ học lớn lúc bấy giờ như nhà sử học Pháp René Grousset, Paul Pelliot, Pavel Poucha, Marian Lewicki, v.v. Việc tham khảo các sử gia này cũng như sử dụng các sách như Hoa Di Dịch Ngữ đời Minh, Nguyên Sử Ngữ Giải đời Thanh, v.v giúp ông và giáo sư Phạm Thị Tâm khôi phục lại gần như toàn bộ tên các tướng lĩnh và quan chức người Mông Cổ, người Turk, và người các dân tộc không thuộc Trung Hoa từ tiếng Hán sang tiếng Mông Cổ trung đại. Gần đây, người viết đã có dịp liên lạc bằng thư điện tử với nhà Mông Cổ học nổi tiếng Christopher Atwood tại đại học Penn và nhà sử học Thổ Nhĩ Kỳ Ihsan Erkoc để đối chiếu kiểm tra các tên của các nhân vật này thì đa phần đúng, nhưng có một số tên sai hoặc không chắc chắn. Ngoài thành tựu này ra, Hà tiên sinh còn thành công trong việc phục dựng lại diễn tiến chiến tranh Nguyên-Việt theo trình tự thời gian, khiến cho người đọc rất dễ theo dõi. Tiên sinh đặc biệt chú ý đến việc chú thích ở phần dưới từng trang, rất chi tiết và dễ đọc khiến cho việc truy nguyên sử liệu từ sách tiên sinh trở nên rất dễ dàng và thuận tiện. Sách chứa nhiều phát hiện mới mà trước đó chưa ai phát giác ra, như việc cánh quân Mông Cổ tiến từ Vân Nam xuống trong chiến tranh lần 2 năm 1284-1285. Trước tác này gần đây đã được nhà xuất bản Hồng Đức cho tái bản năm 2019. Tập sách của tiên sinh không chỉ là thành tựu của riêng ông và giáo sư Phạm Thị Tâm, mà còn là thành quả đúc kết từ những tìm tòi, suy đoán, phát hiện của nhiều nhà sử học miền Bắc trong thập niên 60. Đa số các bài viết trên Tạp Chí Nghiên Cứu Lịch Sử đều được tiên sinh tham khảo và sử dụng. Tổng kết, sách của tiên sinh rất có ý nghĩa về mặt học thuật và làm được rất nhiều điều mà các nhà sử học đi trước không làm được.

Tiên sinh cũng dành thời gian để nghiên cứu biên soạn các tác phẩm liên quan đến khảo cổ học, như "Cơ sở Khảo cổ học" (1975), "Thuật ngữ sử học, dân tộc học, khảo cổ học Nga"(1970), "Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam" (1961). 

Đối với sử học Phật giáo, ông cũng đã tìm tòi, phục dựng, và cho xuất bản nhiều trước tác có giá trị như bài viết "Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư" in trên tập chí lịch sử số 76 năm 1965. Cột đá này bị vùi dưới đất lâu ngày, do làm bằng đá mềm nên nhiều chữ đã mòn không đọc được. Hà tiên sinh đã viết rõ lại từng chữ Hán rồi dịch ra âm Hán-Việt. Ông còn tiến thêm một bước khôi phục lại tiếng Phạn trên cột dựa theo ký âm Hán văn, một công việc rất công phu và khó khăn.(3) Ngoài ra, ông còn có những trước tác như "Lịch sử Phật giáo Việt Nam" (1988), "History of Buddhism in Vietnam" (1992),...

Tiên sinh không những giỏi về chuyên môn của mình là lịch sử mà còn bắt tay nghiên cứu Toán học, cụ thể là ngành thống kê và ứng dụng của nó vào khảo cổ học. Tiên sinh có cho xuất bản "Ứng dụng thống kê toán học trong khảo cổ học", "Giáo trình toán xác suất thống kê trong khảo cổ học". Như vậy, ông cũng là nhà sử học kiêm Toán học như Hoàng Xuân Hãn tiên sinh.

Trong những năm công tác, ông đã đào tạo và giáo dục nhiều thế hệ tri thức Việt Nam. Ông được biết đến là người vui tính, có óc hài hước và rất được học trò mến thương. Ông cũng rất mến phục thầy mình là Đào Duy Anh tiên sinh.

Nói về khả năng ngôn ngữ, ông thông tuệ tiếng Hán cổ và hiện đại, Tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga. Về sau ông còn học cả tiếng Sanskrit cổ (tiếng Phạn), là một nhà sử học hiếm có ở Việt Nam có thể thông được nhiều ngôn ngữ. Về mặt này, ông có thể sánh vai với nhà sử học vĩ đại Trung Quốc Trần Dần Khác (陳寅恪).

Năm 27 tháng 11 năm 2019, ông mất tại Hà Nội, hưởng thọ 82 tuổi. Ông mất sau 20 năm chống chọi với bệnh đột quỵ. (4)

Chú thích:

(2) Báo nhân dân điện tử ra ngày 28/11/2019 thì nói ông tốt nghiệp đại học Tổng Hợp Hà Nội, trang Zing thì nêu rằng ông tốt nghiệp đại học Sư Phạm, nay theo Zing.

Danh sách các tác phẩm (chép lại từ wiki tiếng Việt và tiếng Hán):

Dư địa chí: Giới thiệu, hiệu chính và chú thích. Nhà xuất bản Sử học, 1960; In lại trong "Nguyễn Trãi toàn tập". Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1969; tái bản 1976. 《輿地志》、解題、校訂、註釋

Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam (đồng tác giả với Giáo sư Trần Quốc Vượng)/ Nhà xuất bản Giáo dục,– H., 1960. 《與越南相關的原始共產主義歷史》與陳國旺共著

Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập I (đồng tác giả với Giáo sư Trần Quốc Vượng)/Nhà xuất bản Giáo dục, 1960; tái bản 1963.《越南封建制度史》第1集,與陳國旺共著

Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam (đồng tác giả với Giáo sư Trần Quốc Vượng). Nhà xuất bản Giáo dục, 1961. 《原始時代越南考古學入門》與陳國旺共著)

Vấn đề người Indonesien và loại hình Indonesien trong thời đại nguyên thủy Việt Nam

Kháng chiến chống xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ 13 (cùng viết với Phạm Thị Tâm). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1968; tái bản: 1970, 1972, 1975. 《13世紀對蒙元侵略的抗戰》,與范氏心(Phạm Thị Tâm)共著

Thuật ngữ sử học, dân tộc học, khảo cổ học Nga – Việt. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1970. 《俄越對譯史學、民俗學、考古學用語集》

Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư

Cơ sở Khảo cổ học. Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1975. 《考古學基礎》

"Óc Eo: Endogenous and Exogenous Elements", Viet Nam Social Sciences, 1 – 2 (7 – 8), 1986, pp. 91 – 101. 

Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Hà Văn Tấn (chủ biên), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988. 《越南佛教史》。主編

Triết học lịch sử hiện đại. Đại học Tổng hợp Hà Nội,1990. 現代歷史哲學》

Lịch sử Thanh Hóa (Chủ biên) Tập 1, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội,–H. 1990. 『清化歷史》第1集。主編

History of Buddhism in Vietnam. Social Sciences Publishing House Hanoi 1992 (Viết Part Two: Buddism from the Ngo to the Tran dynaties. 

Chùa Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1993. 《越南寺院》

Tư tưởng thời kỳ tiền sử và sơ sử // Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập I, Khoa học Xã hội, 1993 (phần thứ nhất).

Buddism in Vietnam (Viết chung). The Gioi Publishers, 1993.

Theo dấu các văn hoá cổ: Văn hoá Phùng Nguyên và nguồn gốc dân tộc Việt; Người Phùng Nguyên và đối xứng; Từ gốm Phùng Nguyên đến trống đồng,...(Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1997, 851 trang)

Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1994.

Triết học ấn Độ cổ đại// Tập bài giảng Lịch sử Triết học, tập I. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1994.

Ứng dụng thống kê toán học trong khảo cổ học 《統計數學在考古學上的應用》

Giáo trình toán xác suất thống kê trong khảo cổ học 《考古学中的確率統計教程》

Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam (chủ biên), tập II. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1996.

Theo dấu các văn hoá cổ. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1997.

Đình Việt Nam (viết chung). Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1998.

Văn hóa Sơn Vi, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999 (Hà Văn Tấn, Nguyễn Khắc Sử, Trình Năng Chung,)

Một số vấn đề lý luận sử học. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

(BOOK REVIEW) BÌNH LUẬN SÁCH: LÝ THƯỜNG KIỆT: LỊCH SỬ BANG GIAO VÀ TÔNG GIÁO TRIỀU LÝ (黃春瀚的《李常傑:李朝的邦交與宗教歷史》評論


Hoàng Xuân Hãn tiên sinh với cuốn "La Sơn Phu Tử" trên tay

Giới thiệu về tác giả:

Hoàng Xuân Hãn (黃春瀚) tiên sinh sinh năm 1908 ở làng Yên Hồ, huyện La Sơn, nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tiên sinh học chữ Hán và chữ Quốc Ngữ từ nhỏ tại gia. Hoàng tiên sinh thi đậu Thành Chung năm 1926, về sau tiên sinh chuyển sang nghiên cứu Toán học tại trường Albert Sarrault. Năm 1930, tiên sinh lại thi đỗ vào trường đại học danh giá nước Pháp là École Normale Supérieure và trường École Polytechnique ở Paris, là những trường tuyển sinh rất ngặt nghèo. Nhiều học sinh ưu tú từ trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội mà người viết quen biết cũng theo học hai trường này. Được tuyển vao 2 trường này không phải dễ dàng, vì ở cái thời thuộc địa thì thân phận một người Annamite không được xem trọng. Cùng thời với ông, chắc chỉ có mỗi luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) là có thể sánh ngang tiên sinh. Hoàng tiên sinh tỏ ra là một người giỏi cả khoa học tự nhiên và nhân văn xã hội. Ông để lại nhiều trước tác lịch sử nổi tiếng như cuốn "Lý Thường Kiệt" và "La Sơn Phu Tử". Đối với lĩnh vực Toán học, ông cho xuất bản cuốn "Éléments de trigonométrie" (Cơ sở lượng giác) và "Vocabulaire Scientique" (Từ vựng khoa học). Ông là một nhà bác học và sử học lớn của Việt Nam.

Để hiểu hơn về tiên sinh, có thể đọc thêm bài phỏng vấn này giữa tiên sinh và Thụy Khê: http://thuykhue.free.fr/hxh/hxhhxh.html

Phiên bản mà người viết sở hữu:

Bản mà gửi viết sở hữu là bản năm 2018 được in bởi Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội và nhà sách Khai Tâm. Bản in sáng sủa, chữ nghĩa rõ ràng, ở phía sau sách còn có bảng tên đất và tên người, rất tiện tra cứu, gần giống như mục Index trong sách tiếng Anh.

Hoàn cảnh xã hội và chính trị khi tiên sinh viết sách:

Hoàng tiên sinh cho xuất bản sách này lần đầu tiên năm 1949, được in bởi nhà xuất bản Sông Nhị, Hà Nội. Đây là giai đoạn mà Việt Nam đang tranh đấu để thoát khỏi đế quốc Pháp. Năm 1949 cũng là năm mà kháng chiến đang diễn ra cam go, chính phủ lâm thời của Hồ Chủ Tịch chưa nhận được viện trợ quân sự của Trung Quốc và Liên Xô nên tình thế quân sự phe ta vẫn rất khó khăn gian khổ. Nhưng giai đoạn này cũng là giai đoạn khiến tiên sinh có thể viết sách một cách khách quan và ít chịu ảnh hưởng của ngành sử học theo chủ nghĩa Marxism và chủ nghĩa dân tộc (Nationalism). Điều này là do chính phủ lâm thời chưa dựa theo mô hình XHCN của Liên Xô và Trung Quốc áp đặt lên Việt Nam, nên không khí học thuật có phần cởi mở hơn, sử gia có thể viết sách mà không sợ sự quản thúc và kiểm duyệt gắt gao của chính phủ.

1) Sử liệu

a) Sử liệu Việt Nam

Sử liệu mà Hoàng tiên sinh sử dụng để viết cuốn "Lý Thường Kiệt" bao gồm tư liệu Việt Nam và tư liệu Trung Quốc. Ở mục tư liệu Việt Nam, tiên sinh sử dụng nhiều nhất Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vốn đã quen thuộc với người đọc, và đặc biệt là quyển Đại Việt Sử Lược (hay Việt Sử Lược), một quyển sử thác danh được cho là soạn vào đầu đời Trần. Tiên sinh đã nói "chép chuyện Tống kỹ càng, chuyện Lý đơn sơ" (trang 11). Ông nói đấy là lỗi của dân tộc ta, vì cha ông hoặc ít ghi chép tỉ mỉ sự kiện, hoặc không biết giữ gìn vết tích xưa. Tình trạng của tiên sinh cũng tương tự như Hà Văn Tấn tiên sinh khi biên soạn cuốn  “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông-Nguyên thế kỷ XIII”.

Ngoài 2 tài liệu trên, Hoàng tiên sinh còn dùng thêm sách Việt Điện U Linh và Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục,

Đáng kể nhất phải nói tới 6 tấm bia khắc mà tiên sinh góp phần phát hiện, cung cấp thêm nhiều thông tin quý giá về cuộc đời của Lý Thường Kiệt.

1. Bia chùa Bảo Ân, tạc năm 1100
2. Bia chùa Sùng Nghiêm Diên Khánh, soạn năm, tạc năm 1110
3. Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh, tạc năm 1121
4. Bia chùa Hương Nghiêm, tạc năm 1124
5. Bia chùa Linh Xứng, tạc năm 1126
6. Bia chùa Ngọ Xá, dựng trễ nhất trong các bia, năm 1876.

Thật đáng tiếc là tiên sinh đã không kèm toàn bộ phần gốc chữ Hán của các văn bia này cùng bài dịch. Nhưng đòi hỏi như thế e là quá đáng, vì nhà xuất bản phải hạn định số lượng trang in sao cho đỡ tốn kém nhất và khiến giá thành đầu ra vừa túi người đọc.

b) Sử liệu Trung Quốc

Các tài liệu Trung Quốc mà tiên sinh sử dụng là:

1) Tiếp Tư Trị Thông Giám Trường Biên (續資治通鑑長編): Đây là một bộ sử sách đồ sộ biên soạn bởi nhà sử học Lý Đảo (李焘) (1115-1184). Không có nghi ngờ gì, đây là một tuyệt tác của lịch sử Trung Hoa. Lý Đảo đã dành 40 năm cuộc đời để biên soạn quyển sách này. Toàn sách có tới 980 quyển, hiện còn 520 quyển. Hoàng tiên sinh đã trích nhiều chiếu thư, hội thoại, các bài văn của các nhân vật chính trị chủ chốt nhà Tống như Tư Mã Quang, Vương An Thạch,...Ngay cả bài Chinh Nam Tông Nhất Văn Tự của Quách Quỳ cũng được giữ gìn ở đây. Đây là nguồn sử liệu chính của tiên sinh.

2) Tống sử (宋史) là một trong 24 chính sử của Trung Quốc, soạn vào đời Nguyên. Như tiên sinh nhận xét, phần Bản Kỷ chỉ cho biết một ít việc liên quan bang giao và chiến tranh Tống-Lý, phần liệt truyện cung cấp nhiều thông tin hơn. Tiên sinh cũng nhận xét phần Giao Chỉ Truyện rằng "có lẽ người Tống đọc đoạn này, cho là nhục quốc thể mà xé đi chăng." Nhưng tiên sinh không chỉ ra rõ là đoạn nào mà bị khuyết mất như thế.

3) Các sách khác như Đông Đô Sự Lược của Vương Xưng, Tốc Thủy Kỷ Văn của Tư Mã Quang, Nhị Trình Di Thư của anh em họ Trình, Chu Tử Ngữ Lục, Tống Hội Yếu...Đây đều là những tài liệu quý, và công sức tiên sinh bỏ ra sưu tầm thu thập hết sức đáng khâm phục, đặc biệt trong thời đại chưa có internet và các thư tịch cũ chưa được số hóa trên wikisource hay ctext.

Phương pháp nghiên cứu sử:

Tính khách quan:

Phương châm nghiên cứu sử của Hoàng tiên sinh là: "Không bịa đặt, không tây vị, hết sức rõ ràng, đó là những chuẩn thằng (đây là 1 từ cổ, khá ngạc nhiên vẫn còn dùng lúc tiên sinh viết sách này. Từ này chữ Hán là 準繩, nghĩa gốc là thước đo và dây rọi, sau diễn giải thành tiêu chí) tôi đã theo" (trang 11). Cuốn sách đã đi đúng với phương châm này. Trong sách tuyệt không thấy tiên sinh dùng những từ ngữ nặng nề để miệt thị chính quyền và quan lại nhà Tống. Tiên sinh gọi Tống Thần Tông là ông vua "có chí quật cường" (trang 102), gọi Vương An Thạch là "cao tài kinh tế" (trang 102). Ta thấy tiên sinh khách quan hơn so với Hà Văn Tấn tiên sinh trong việc đánh giá đối phương.

Cấu trúc của sách:

1) Chính sách đối ngoại với Lý triều trước khi Lý Thường Kiệt sang đánh Tống:

Nhìn tổng thể, theo đánh giá của người viết, phần lớn cuốn sách liên quan đến lịch sử chiến tranh và ngoại giao Tống-Lý. Trong đó bao gồm chiến dịch đánh Tống trước của Lý Thường Kiệt và chiến dịch Tống phản công Lý. Mối quan hệ Tống-Lý được Hoàng tiên sinh phân tích kỹ lưỡng qua việc khảo xét các phương sách không phải chỉ của riêng Vương An Thạch, mà còn ở các viên quan coi giữ biên thùy như chính sách hòa hoãn của Tiêu Chú, chính sách khiêu khích gây chiến của Thẩm Khỉ, và rốt cuộc là chính sách do dự của vua tôi Tống Thần Tông và Vương An Thạch.


Hoàng tiên sinh cũng tin rằng trước khi Lý Thường Kiệt cất quân phạt Tống, vua tôi Tống Thần Tông và Vương An Thạch đã nung nấu kế hoạch xâm chiếm An Nam-Giao Chỉ. Hãy điểm qua các dẫn chứng của tiên sinh. 

Hoàng tiên sinh dẫn Tống sử, quyển 334, Tiêu Chú truyện:

Nguyên văn là:

入覲,神宗問攻取之策,對曰:「昔者臣有是言,是時溪洞之兵,一可當十;器甲堅利,親信之人皆可指呼而使。今兩者不如昔,交人生聚教訓十五年矣,謂之『兵不滿萬』,妄也。」

Vào chầu, Thần Tông hỏi sách lược công chiếm, (Chú) đáp: "Xưa thần có nói lời ấy, bây giờ quân binh khê động, một có thể chọi mười, khí giáp kiên cứng sắc bén, người thân tín đều có thể chỉ tay hô lệnh mà điều khiển. Nay hai điều ấy không như trước, người Giao sinh tụ (tức tăng dân số nhân khẩu) giáo huấn đã mươi lăm rồi, nói rằng "binh không đầy vạn", là sai."

Đây là bản dịch của người viết, bản dịch của tiên sinh ở trang 109. 

Lời nói này của Tiêu Chú cũng được ghi trong Tiếp Tục Trị Thông Giám Trường Biên quyển 219:

會有言交趾為占城所敗,觽不滿萬,可計日取也。

Bấy giờ (Chú) có nói Giao Chỉ bị Chiêm Thành đánh bại, quân không đầy vạn, có thể tính kế chiếm lấy.

Quyết tâm đánh Giao Châu cũng thể hiện qua lời của Thẩm Khởi (Hoàng tiên sinh ghi là Thẩm Khỉ), Tiếp Tục Trị Thông Giám Trường Biên quyển 242:

會起言交州小醜無不可取之理

Bấy giờ Khởi nói Giao Châu nhỏ mọn không có lý gì không lấy được.

Một dẫn chứng khác của tiên sinh là lời nói của Vương An Thạch với Tống Thần Tông:

安石曰:「譬如乾德初立時,用二萬精兵足了,以中國之觽,募二萬人精兵,豈患無之?擇五七中材將帥,亦豈患無之?一舉滅交趾,則威立矣。以嘗勝之觽布之陝西,則陝西之兵人人有勝氣,以其氣臨夏國,不足吞也。吞夏國則中國之氣孰敢干撓。」

An-Thạch trả lời :"Lúc Càn-Đức mới lập, ta chỉ cần hai vạn tinh binh là xong việc. Ở Trung-quốc, há lại không thể mộ được hai vạn quân giỏi, năm bảy tướng vừa hay sao? Lúc quân ta diệt được Giao-chỉ, uy ta sẽ có. Rồi ta bá-cáo cho Thiểm-tây biết, quân dân Thiểm-tây sẽ thắng khí. Với thắng khí ấy, ta sẽ nuốt tươi nước Hạ. Mà nếu nuốt được Hạ, thì ai dám quấy nhiễu Trung-quốc nữa" (Nhật-lục, TB 276/2a, 2b và 3a).

Trích bài dịch của tiên sinh trang 105. Điều này được ghi trong Trường Biên quyển 276, tức năm 1076.

Còn một lời nữa, mà theo Hoàng tiên sinh là của Vương An Thạch:

「若勝,則宋勢增,遼夏諸國定生敬畏」。

Nếu thắng, thế Tống sẽ tăng, và các nước Liêu, Hạ sẽ phải kiêng nể.
Lời này được ghi ở trang 105, nhưng không thấy tiên sinh chú ở nguồn sử liệu nào.

Đây là các dẫn chứng mà tiên sinh đưa ra cho việc Tống định đánh ta trước khi Lý Thường Kiệt sang phạt Tống.

2) Chiến dịch phạt Tống của Lý Thường Kiệt

Phương pháp tái dựng quá trình chiến tranh của Lý Thường Kiệt là phương pháp viết theo trình tự thời gian (chronological order). Các Liêm và Khâm Châu được Hoàng tiên sinh thuật lại dựa trên Tống Sử, Trường Biên, Toàn Thư và Đại Việt Sử Lược. Tư liệu ít ỏi nên việc phục dựng gặp khó khăn. Tuy nhiên, trung tâm của chiến dịch này chính là trận vây thành Ung Châu. Thái Úy Tô Giàm đã dùng nhiều mưu kế để tiến hành phòng thủ thành, khiến cho quân Lý vây thành 40 ngày mới phá được. Hoàng tiên sinh nói rằng: "sách Tống đã tìm mọi cách để giảm võ công ta, như nói có người Tống bày mưu kế hay chiến thuật" (trang 133). Người viết cho rằng không phải vậy. Việc quân Việt không thiện công thủ thành là một sự thật lịch sử. Người Tống do phải chống chọi với quân Liêu, Hạ, vốn lấy kỵ binh làm chủ lực, đã phải phát triển các phương pháp thủ thành để tiến hành đề kháng quân kỵ. Việc xây dựng và củng cố thành lũy giúp nhà Tống tổ chức phòng thủ tốt hơn, và tránh phải giao chiến trên đồng không mông quạnh, là nơi sở trường của Liêu, Hạ được phát huy triệt để. Về phía Việt, quân ta chủ yếu dựa vào thủy chiến, dùng thuyền bè làm phương tiện tiến và lui quân, không cậy vào thành quách như Tống nên các phép công thủ thành đương nhiên không bằng Tống. Đấy là một sự thật khách quan.

3) Chiến dịch Nam phạt của Tống

Hoàng tiên sinh đã nghiên cứu kỹ các sử liệu để xác định quân số và lượng lương thực cần để nuôi quân. Quân Tống Nam phạt có khoảng 100,000 quân và 10,000 ngựa. Bấy nhiêu quân cần 400,000 dân phu tải lương để cung cấp lương thực trong chỉ 1 tháng. (trang 106). Đây là khó khăn lớn nhất, vì nếu Tống không thể đánh thắng ta một trận quyết định, thì cầu cưa lâu trên đất ta sẽ khiến việc cung cấp lương thực thêm khó khăn.

Điều thứ hai ta thấy tiên sinh đã thành công làm đó là khắc họa được tính cách của một số viên tướng chỉ huy quân Tống. Quách Quỳ thể hiện là một người rụt rè, cẩn trọng, không liều lĩnh. Miêu Lý là một tướng bạo gan, từng đưa quân chọc thủng phòng tuyến quân Lý và tiến lên chỉ cách kinh đô Thanh Long 15 dặm. Vương Tiến là kẻ nhát gan, thấy quân ta chặn Miêu Lý thì sợ ta dùng cầu phao mà họ đã dựng qua sông lên bờ Bắc, bèn lệnh cắt cầu phao, khiến chọ hậu và tiền quân Tống không tiếp cứu được nhau. Nhìn chung, ta thấy các tướng đánh ta không phải là những hùng tướng đầy mưu lược. Tính cách của Quách Quỳ là đặc trưng của võ tướng nhà Tống. Khảo sát sử liệu chiến tranh Tống-Liêu, Tống-Hạ, ta thấy phần nhiều tướng Tống cũng rụt rè, chỉ lấy thủ làm trọng. Đó là vì Bắc cương của Tống toàn các nước có nhiều kỵ binh, còn quân Tống đa phần bộ binh, quân địch rút nếu bất lợi, tiến nếu thắng lợi, còn quân Tống chậm chạp, thắng truy không kịp, thua chạy khó thoát. Điều đó khiến tướng Tống hay dặt dè, sợ sệt. Quỳ cũng từng là tướng coi Bắc thùy, nên nhiễm tính ấy.

Đọc các trang đoạn làm ta chua xót cho Tống nhất là đoạn Quách Quỳ cho Tống đóng bè rất lớn, chở được 500 quân, tiến sang bờ Nam. Quân Lý đã làm hàng rào tre nứa nhiều lớp, Tống sang bờ ra sức chặt bẽ đốt bỏ, nhưng dày quá không làm nổi, muốn rút thì bè đã rời bến sang bờ Bắc chở quân tiếp viện sang tiếp, nên tiến không được mà lui cũng không xong, rốt cuộc bị quân Lý đánh giết bắt sống. Đây là dựa vào sách Nhị Trình Di Thư (trang 203)

4) Đạo Phật thời Lý

Sách của tiên sinh không những là một sách lịch sử quân sự, cũng không hẳn là sách tiểu sử của Lý Thường Kiệt, mà còn là một sách nghiên cứu đạo Phật thời Lý. Lý Thường Kiệt tuy là võ tướng nhưng rất chuộng đạo Phật, từng che chở cho nhiều sư tăng. Có một điều đáng tiếc là tiên sinh không bàn đến xung đột tư tưởng giữa một bên là đạo Phật ngăn cấm giết chọc và một bên là chiến tranh. Lý Thường Kiệt đã dung hòa tư tưởng này thế nào?

Nghi vấn về việc Tống chủ tâm đánh ta trước khi Lý Thường Kiệt phạt Tống:

Sau khi đọc sách này, người viết cảm thấy còn tồn nghi những bằng chứng cho thấy Tống có ý chiếm lấy Giao Chỉ trước khi Lý Thường Kiệt công phạt 3 châu Khâm, Liêm, Ung. Hãy điểm lại những bằng chứng trong thư tịch nhà Tống về "âm mưu" này. Như ở trên đã trích dẫn, dưới đây xin trích lại:

Hiến kế đánh ta có Tiêu Chú:

入覲,神宗問攻取之策,對曰:「昔者臣有是言,是時溪洞之兵,一可當十;器甲堅利,親信之人皆可指呼而使。今兩者不如昔,交人生聚教訓十五年矣,謂之『兵不滿萬』,妄也。」

Vào chầu, Thần Tông hỏi sách lược công chiếm, (Chú) đáp: "Xưa thần có nói lời ấy, bây giờ quân binh khê động, một có thể chọi mười, khí giáp kiên cứng sắc bén, người thân tín đều có thể chỉ tay hô lệnh mà điều khiển. Nay hai điều ấy không như trước, người Giao sinh tụ (tức tăng dân số nhân khẩu) giáo huấn đã mươi lăm rồi, nói rằng "binh không đầy vạn", là sai." (Tống Sử, Tiêu Chú truyện, quyển 334)

會有言交趾為占城所敗,觽不滿萬,可計日取也。

Bấy giờ (Chú) có nói Giao Chỉ bị Chiêm Thành đánh bại, quân không đầy vạn, có thể tính kế chiếm lấy. (Trường Biên quyển 219)

Ngoài ra còn có Thẩm Khởi:

會起言交州小醜無不可取之理

Bấy giờ Khởi nói Giao Châu nhỏ mọn không có lý gì không lấy được. (Trường Biên quyển 242)

Tuy nhiên, ta thấy đây chỉ là những ý kiến của các viên quan trông coi vùng biên cương giáp ta. Triều đình Tống đã không trọng dụng những ý kiến này. Ta hãy xem xét thêm một số dữ kiện để thấy xem liệu người Tống có muốn đánh ta hay không.

Vương An Thạch nói:

「伏奉手詔,賜示王圭所進文字,且論及交趾事。竊承聖志以豐財靖民為事,此生民之福也。然萬里之外,計議於初,不容不審,溫杲等以欽、廉等州為憂,是也。至於戒敕邊臣,撫慰交趾,即恐不須如此,既傷陛下之信,或更致交趾之疑..."

"Quì phụng thánh chiếu (nguyên văn là thủ chiếu 手詔, tức chiếu thư do hoàng đế đích thân viết), văn tự mà quý Vương Tiến đây gửi, luận tới chuyện Giao Chỉ. Trộm thừa thánh chí (tức chí hướng của vua) phụng sự việc làm giàu cho nước, khiến dân yên ổn, đó là phúc của dân sinh. Nhưng việc ngoài vạn lý, kế sách bàn nghị khi trước, không thể rộng lượng không xét tới, bọn Ôn Cảo lấy Khâm, Liêm Châu làm mối lo, đúng như vậy. Đến như khuyên răn biên thần, vỗ về Giao Chỉ, thì sợ không nên như thế, tức làm tổn hại uy tín bệ hạ, hoặc càng làm cho Giao Chỉ sinh nghi... (Trường Biên quyển 217)

Đoạn này được Trường Biên liệt vào năm Hi Ninh thứ 3 (1070) cho ta thấy An Thạch can việc xúi giục vua Tống Thần Tông đánh An Nam.

知桂州潘夙言:「主管邕州溪峒文字蔣聖俞,近到任,即建白欲取交趾,恐致生事。乞改授聖俞廣南東路差遣。」

Tri Quế Châu Phan Túc (Hoàng tiên sinh ghi là Phan Bội) nói: "Chủ quản Ung CHâu khê động văn tự Tưởng Thánh Du, gần đây đến nhậm chức, liền đề xuất kiến nghị muốn lấy Giao Chỉ, sợ gây sinh sự. Xin đổi làm Thánh Du Quảng Nam Lộ Sai Khiển." (Trường Biên quyển 216)

Việc này cũng chép năm 1070.

Trường Biên quyển 219 lại chép lời nói này mà được cho là của Phan Túc:

潘夙傳云夙陳交趾可取,此云「觽不滿萬」,或是夙所陳也,當考。

Phan Túc truyện nói Túc kể Giao Chỉ có thể lấy được, hắn nói: "Quân không đầy vạn", hoặc là lời Túc trần thuật, nên khảo xét.

Như vậy không chắc Phan Túc đã nói lời ấy. Hoàng tiên sinh cho rằng Túc bất nhất, trước hặc tội người khác về việc đánh Giao Chỉ, nay lại bảo Giao Chỉ có thể lấy được. Người viết cho rằng chính Tiêu Chú mới nói lời ấy, chứ không phải Phan Túc.

Trường Biên quyển 242, năm 1073 lại ghi:

然有獻策平交州者,輒火其書。

Nhưng có kẻ hiến kế sách bình Giao Châu, Chú liền đốt bỏ thư đi.

Cụ thể hơn, người viết đã cố gắng truy tìm trong sách của Hoàng tiên sinh các chứng cứ chứng tỏ người Tống tích trữ lương thảo ở các nơi Ung, Liêm, Khâm để định ngày đánh ta nhưng tìm không thấy. Trong các quan lại coi sóc biên cương Nam thùy, chỉ thấy có Thẩm Khởi là có ý muốn đánh ta, nhưng những việc ông ta làm cũng không phải là sự chuẩn bị cho một cuộc đại chiến.

Ta thấy dẫn chứng này:

安石曰:「譬如乾德初立時,用二萬精兵足了,以中國之觽,募二萬人精兵,豈患無之?擇五七中材將帥,亦豈患無之?一舉滅交趾,則威立矣。以嘗勝之觽布之陝西,則陝西之兵人人有勝氣,以其氣臨夏國,不足吞也。吞夏國則中國之氣孰敢干撓。」


An-Thạch trả lời :"Lúc Càn-Đức mới lập, ta chỉ cần hai vạn tinh binh là xong việc. Ở Trung-quốc, há lại không thể mộ được hai vạn quân giỏi, năm bảy tướng vừa hay sao? Lúc quân ta diệt được Giao-chỉ, uy ta sẽ có. Rồi ta bá-cáo cho Thiểm-tây biết, quân dân Thiểm-tây sẽ thắng khí. Với thắng khí ấy, ta sẽ nuốt tươi nước Hạ. Mà nếu nuốt được Hạ, thì ai dám quấy nhiễu Trung-quốc nữa" (Nhật-lục, TB 276/2a, 2b và 3a).

diễn ra vào năm 1076, tức là sau khi ta đã đánh Tống. Lúc ấy thái độ triều đình Tống mới chuyển sang việc chinh phạt phục thù nước ta.

Vậy tranh chấp giữa ta và Tống là gì? Đó là tranh thủ các tù trưởng khê động, lôi kéo họ về phe mình. Đất của họ trên danh nghĩa sẽ thuộc về một trong hai bên.

Trên đây chỉ là nghi vấn, người viết cần khảo bị thêm để có thể chứng minh nhà Tống không có ý xâm chiếm Đại Việt trước khi Lý Thường Kiệt cất quân đánh Tống.

Bị dịch sai và hiểu nhầm:

Trong sách của Hoàng tiên sinh có đoạn: "Năm 1062, Tông-Đán và con đem các động thuộc mình, là Lôi-hỏa và Kế-thành, nộp cho Tống, và xin tới ở Lạc-châu. Tống nhận đất, bổ Tông-Đán coi châu Thuận-an (là vùng Lôi-hỏa, Kế-thành mới được đổi ra tên ấy) và bổ Nhật-Tân coi việc thuế ở Ung-châu. (TS 495)

Như vậy, cha con Tông-Đán vẫn giữ đất cũ, là đất mà ta vẫn coi thuộc ta." (trang 95)

Nhà sử học James A.Anderson trong bài tiểu luận "Treacherous factions: Shifting frontier alliances in the breakdown of Sino-Vietnamese relations on the eve of the 1075 border war" trong cuốn "Battlefronts real and imagined: War, border, and identity in the Chinese middle period" xuất bản bởi Palgrave Macmillan đã dịch đoạn in đậm thành:

"The family of Tong Dan still maintained control of his old territory, which therefore was territory that still belonged to Vietnam." (trang 193)

Anderson trích đoạn này từ sách của Hoàng tiên sinh, trang 122, bản năm 1949.

Câu trên dịch sang tiếng Việt sẽ là:

"Gia đình của Tông Đán vẫn còn kiểm soát lãnh thổ cũ của ông ta, mà do đó là lãnh thổ vẫn thuộc về Việt Nam."

Nguyên văn của tiên sinh phải là:

"Như vậy, cha con Tông-Đán vẫn giữ đất cũ, là đất mà ta vẫn coi thuộc ta."

"Thefore, Tông Đán's father and son still retain their old territory, which was territory that we still consider to belong to us."

Nghĩa đã hơi khác, ta thấy nghĩa gốc của tiên sinh là lãnh thổ mà triều đình ta vẫn xem là của ta, chứ không phải là lãnh thổ hiển nhiên là thuộc về Việt Nam. (which therefore was territory that still belonged to Vietnam.)

Nghĩa hơi khác (subtle), nhưng quan trọng. Đất ấy không phải hiển nhiên thuộc về ta, mà chẳng qua là triều đình vẫn cho nó thuộc về ta, nay thì về Tống.

Kết luận

Quyển sách này của tiên sinh là một trước tác hết sức có giá trị. Nó gần như hoàn toàn khách quan và không thiên vị cho cả Lý lẫn Tống. Tiên sinh đã khảo cứu một lượng tư liệu lớn lao để có thể biên soạn nó. Kế nữa, văn phong của tiên sinh cũng rất tao nhã, mang hơi hướng thứ văn xưa đất Hà Nội. Tiên sinh lại là người học Toán nên cách trình bày và lập luận rất chi chặt chẽ. Tuy vậy, điểm yếu của sách nằm ở chỗ tiên sinh đã không dịch trọn bộ một số đoạn trong Trường Biên. Khi người viết đi so sánh thì thấy nguyên văn và dịch văn chưa khớp về nghĩa. Tổng quan mà nói, sách này về mặt học thuật cao hơn sách của Hà Văn Tấn tiên sinh "Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên-Mông thế kỷ XIII" ở tinh thần khách quan. Hoàng tiên sinh đã không miệt thị vua tôi nhà Tống như Hà tiên sinh đã làm với vua thần nhà Nguyên. Đây là một quyển kinh điển mà ai cũng phải đọc để hiểu rõ lịch sử thời Lý.

TAM TRIỀU BẮC ĐIỂN HỘI MINH (QUYỂN 1) CHÚ DỊCH (三朝北盟會編(卷1)注譯)

  三朝北盟會編 輯者:徐夢莘 南宋 1194 年 〔宋〕徐夢莘撰。 夢莘,字商老,臨江人,紹興二十四年進士,爲南安軍教授,改知湘陰縣,官至知賓州,以議鹽法不合罷歸,事蹟具《宋史·儒林傳》。夢莘嗜學博聞,生平多所著述,史稱其「恬於榮進,每念生靖康之亂……思究見顚末,乃網羅舊聞,薈...